Con người đã sử dụng nước để tạo năng lượng và thực hiện công việc từ hàng ngàn năm nay. Người Hy-lạp cổ đại đã biết dùng cối xay nước để xay lúa, làm bộ mì. Người La-mã cổ đại dùng nước để cắt gỗ và đá. Thời nhà Hán, người Trung Quốc cũng đã dùng bơm thủy lực để bơm nước vào kênh tưới tiêu. Sức nước là nguồn năng lượng lâu đời nhất của loài người.
Hiện nay thủy điện chiếm 16,6% tổng lượng điện trên thế giới và 80% tổng các nguồn điện tái tạo toàn cầu.
Con đường đúng đắn đi đến giải quyết thách thức năng lượng của Việt Nam
Tính trên thế giới, các nhà máy thủy điện đã đóng góp làm giảm 2,8 tỉ tấn phát thải khí CO2. Trong một chuyến công tác gần đây tới vùng tây bắc Việt nam, tôi đã chứng kiến tầm vóc và qui mô một trong những dự án thủy điện mà Ngân hàng Thế giới tài trợ — Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.
Trung sơn là nhà máy thủy điện cỡ vừa, xây dựng trên sông Mã. Nhà máy có 4 tuốc-bin, tổng công suất thiết kế là 260 MW và tổng sản lượng điện sản xuất hàng năm là 1,019 tỉ kWh. Khi chạy đầy đủ công suất, nhà máy sẽ cung cấp điện cho khoảng 180.000 hộ gia đình và giúp Việt Nam đáp ứng phần nào nhu cầu về điện đang ngày càng tăng lên. Trong vài năm gần đây, mức tiêu thụ điện tại Việt Nam tăng trung bình 15% / năm và phát triển thủy điện nằm trong kế hoạch tổng thể của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường cung cấp điện cho người dân.
Sản xuất điện có trách nhiệm
Cách đây 5 năm tôi đã đến khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện và tham gia vào hoạt động tham vấn ý kiến người dân địa phương. Khi đó chúng tôi phải đi bằng thuyền rồi leo núi thì mới đến được với người dân để thực hiện tham vấn và tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của họ.
Các dự án thủy điện thường đi kèm các hệ quả cực kỳ phức tạp về xã hội và môi trường. Nhưng Nhóm Ngân hàng Thế giới biết chắc rằng có thể thực hiện các dự án thủy điện một cách tốt đẹp nếu tuân thủ các bước đi đúng đắn và thực hiện các tiêu chuẩn về bảo vệ xã hội và môi trường. Việc xây dựng nhà máy này đã tác động lên khoảng 7.000 dân. Tôi đã gặp một số trong nhóm người dân bị ảnh hưởng để tìm hiểu về những nguyện vọng và lo lắng của họ trước khi họ chuyển đến khu tái định cư.
Năm năm sau khi tham vấn ý kiến và thực hiện dự án, hiện nay cuộc sống người dân đã ổn định tại địa điểm mới. Các bản làng mới được cấp đầy đủ điện, nước, đường giao thông, trường học, điều kiện vệ sinh môi trường tốt và trạm y tế cũng được nâng cấp cải tạo. Tôi đã trò chuyện với người dân ở đây. Dân làng cho biết họ thích cuộc sống mới và dự án đã mang lại lợi ích thiết thực cho họ. Trung Sơn đúng là một dự án thuỷ điện điển hình, thoả mãn đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường, xã hội và an toàn.
Kết quả
Tuốc-bin đầu tiên của nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10 năm nay, bổ sung thêm điện năng vào lưới điện quốc gia, đồng thời giúp làm giảm 1 triệu tấn phát thải khi các-bon hàng năm.
Tuy một số người vẫn chỉ trích các dự án thuỷ điện nói chung, nhưng chuyến thăm Trung Sơn đã chứng tỏ thủy điện hoàn toàn có thể được thực hiện tốt và mang lại lợi ích cho người dân, đồng thời cung cấp thêm điện phục vụ nhu cầu của đất nước. Dự án thuỷ điện Trung Sơn đã hoàn thành đúng thời hạn, tiết kiệm được 40 triệu USD, tương đương với 10% tổng chi phí dự án.
Tấm gương Việt Nam
Trong 20 năm qua công cuộc điện khí hóa tại Việt Nam đã thực hiện thành công và nay 99% dân số đã có điện dùng. Nhà máy thủy điện Trung Sơn sẽ là một nguồn bổ sung đáng kể vào lưới điện quốc gia. Việt Nam có thể áp dụng các tiêu chuẩn và cách làm tương tự để mang lại kết quả tốt trong phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời, điện gió, địa nhiệt, và tăng cường tiết kiệm điện. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực này, nhân rộng kinh nghiệm thành công này tại các nước khác và giúp các nước đó thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng ít các-bon của mình.