Hiện nay, trước tình trạng nguồn năng lượng có xu hướng giảm sút, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra các giải pháp để đánh giá mức độ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tổ chức phát triển nhiều nguồn năng lượng như điện gió, điện mặt trời… để “chung tay” cùng năng lượng từ thủy điện truyền thống.
Nguồn điện của Việt Nam đang thiếu. Để duy trì nhịp phát triển, từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là nhập khẩu than để đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than. Bên cạnh đó, việc biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến mạnh, khiến Việt Nam lại là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nhất. Điều này càng đặt câu chuyện đảm bảo an ninh năng lượng trở nên cấp thiết.
Phải khẳng định, Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt... Với tiềm năng này, những năm gần đây, Nhà nước đã ban hành các chính sách và cơ chế để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, cơ chế hỗ trợ giá mua điện sinh khối, mặt trời, gió.
Đồng thời, gia tăng bổ sung vào quy hoạch điện các dự án điện gió, điện mặt trời và chuẩn bị cho cơ chế đấu thầu trong giai đoạn tới. Việc phát triển của nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Năng lượng tái tạo sẽ góp phần trong tăng trưởng kinh tế bền vững, đặc biệt là ở cấp quốc gia, bằng cách khai thác các nguồn lực địa phương và tạo ra ngành công nghiệp mới và tạo việc làm…
Nhiều lợi ích, song có một thực tế cần phải nhìn thẳng là hiện thủy điện vẫn đang có sự đóng góp chủ đạo. Và việc xây dựng thủy điện tập trung vào một số khu vực cũng không tránh khỏi một số ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Minh chứng dễ thấy, tình trạng rừng bị khai thác trái phép khi “núp bóng” thủy điện vẫn còn tồn tại, nghiêm trọng hơn khi mùa mưa bão đến, một bộ phận chủ hồ thủy điện nhỏ, vì lợi ích cá nhân, chưa tuân thủ các quy định của nhà nước nên thường xả lũ không đúng quy trình đã gây thiệt hại cho vùng hạ du…
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý vận hành điều tiết hồ chứa vẫn còn chưa phân định rạch ròi giữa chính quyền Trung ương và địa phương. Điều này vô tình đã hình thành suy nghĩ chưa thấu đáo trong cộng đồng là thủy điện gây thiệt hại cho người dân khi có mưa lũ, bão.
Điều này cũng cho thấy, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện là hết sức bức thiết. Thực tế, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều quy định quản lý, khai thác, vận hành an toàn hồ đập thuỷ điện hiệu quả.
Trong đó có việc phân cấp cho các địa phương thực hiện quy định vận hành liên hồ phù hợp với tình hình thực tế. Ngay từ đầu năm 2020, Bộ Công Thương đã ban hành và liên tục chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiều biện pháp và giải pháp cấp bách để chủ động ứng phó với thiên tai, đặc biệt là vận hành các nhà máy thủy điện. Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, rà soát kế hoạch sản xuất, chuẩn bị đầy đủ các phương án phòng chống lụt bão để bảo đảm vận hành an toàn nhà máy điện và hệ thống điện…
Sự vào cuộc rốt ráo như trên là rất đáng ghi nhận. Và trong guồng quay của bộ máy, nếu đơn vị nào cũng làm tận lực trách nhiệm, thì các sự cố đi kèm mùa mưa lũ sẽ không nặng nề. Quanh câu chuyện này, phải khẳng định, thủy điện không phải là nguyên nhân gây ra lũ, nhưng nếu xả lũ không đúng quy trình chặt chẽ thì có thể gây ra lũ và nhiều hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy, quản lý, khai thác thủy điện bền vững, tránh những hệ lụy đáng tiếc thì vấn đề chính lại ở khâu quản lý, điều hành, vận hành.
Cụ thể, trong quá trình xây các công trình thủy điện bắt buộc phải có một quy trình vận hành hồ chứa. Công tác điều hành và quy trình này rất quan trọng, phải được xây dựng khoa học và quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, ở đơn vị quản lý cũng cần yêu cầu các tỉnh rà soát, đánh giá lại các dự án thủy điện trên địa bàn xem có vấn đề gì không để từ đó có kế hoạch phát triển về sau. Hơn hết, khi phát triển bất kỳ một dự án thuỷ điện nào cũng cần hết sức thận trọng trong thiết kế thi công, đánh giá tác động môi trường./.